Một tuần sau clip Hãy nói tiếng Anh đi gây sốt, điện thoại của cô giáo Anna liên tục đổ chuông. "Cảm xúc lúc biết clip được lên báo là bất ngờ và sung sướng lắm", Anna nói. Bạn bè chia sẻ đường dẫn clip, đồng loạt chúc mừng và khen ngợi, suốt mấy ngày trời Anna trả lời tin nhắn "mỏi tay luôn".
Nhóm làm clip Hãy nói tiếng Anh đi có 4 người: 2 cô giáo và 2 quay phim, dựng hậu kỳ. Người lên nội dung kiêm diễn viên chính là Anna.
|
Lấy nickname là cô giáo Anna, Nguyễn Huyền Trang tâm sự, cô lấy cảm hứng từ nhân vật trong một bộ phim nước ngoài. Cô gái đó có thể thay đổi nhiều điều trong thế giới. Ảnh: NVCC |
Ý tưởng làm clip nảy sinh khá tình cờ, có thể trong một buổi đi chơi, cà phê cùng bạn bè, lúc hoạt động thể thao... "Có clip em chỉ nghĩ ra trong vòng nửa tiếng", Anna nói, "như bản cover Hãy yêu nhau đi vừa rồi chẳng hạn".
Ý tưởng đến bất chợt như thế, nhưng lúc lên nội dung, Anna phải "thẩm định" mấy lần. Cô giáo trẻ suy nghĩ, làm clip về giáo dục có những tiêu chí riêng: Vui nhưng không quá lố, hấp dẫn nhưng không phản cảm, làm thế nào để các bạn trẻ đón nhận say sưa?
Kỷ niệm lúc quay thì nhiều, vui có buồn có. "Nhớ nhất là lúc đang quay thì bị chó đuổi", Anna cười tít mắt kể. Lần khác, đang đứng ""talk show" ngoài ban công, cô giáo 9X cũng suýt ngã nhào vì mải nói.
Có lần nhận được tin nhắn khen ngợi từ khán giả ngoại quốc, cổ vũ cả nhóm tiếp tục sản xuất video, cả nhóm mừng không ngủ nổi. Những món quà tinh thần trở thành động lực cho cả êkíp tiếp tục sản xuất clip.
"Bạn từng học hay sống ở nước ngoài chưa?", không ít người bạn cả tây lẫn ta từng hỏi Anna như thế. Cô giáo 9X tủm tỉm: "Đến du lịch, em cũng chưa ra khỏi lãnh thổ chữ S, chưa học ở bất cứ trung tâm hay được giáo viên nước ngoài nào rèn luyện. Cách phát âm chuẩn, rõ ràng trong tiếng Anh của em là nhờ bắt chước", Anna chia sẻ.
"Em tự tạo cho mình môi trường học tiếng Anh giao tiếp bằng cách: đọc báo, nghe nhạc, xem phim... mỗi ngày và bắt chước theo giọng bản địa chứ ít khi học theo sách hay giáo trình có sẵn. Năng khiếu chỉ chiếm một phần nhỏ, chủ yếu là kiên trì", Anna khẳng định.
Cô giáo 9X hay lên các kênh khoa học trên Internet để vừa học vừa giải trí. Kiến thức trên mạng thường rất dồi dào nhưng không phải ai cũng khám phá ra. Ý thức được điều đó, Anna và những cộng sự đã lên kế hoạch dài hơi cho chiến dịch truyền đam mê học tiếng Anh đến các bạn trẻ Việt.
|
Anna bày tỏ mong muốn mình có thể tạo ra một lớp học mới, cách tiếp cận mới thu hút bạn trẻ. Ảnh: NVCC |
Không thù lao, chẳng có học trò cố định, mỗi lần sản xuất clip học tiếng Anh, cả nhóm đi quay và làm việc miệt mài từ sáng đến đêm khuya. Dự định của Anna và các bạn là thực hiện 2 "bài học" mỗi tuần, ý tưởng lấy từ cuộc sống sinh động xung quanh.
Thực tế, Anna bắt đầu đi dạy tiếng Anh tại các trung tâm từ cuối năm nhất đại học. Công việc không chỉ cho cô một khoản thu nhập, mà hơn hết, nó truyền cho Anna cảm hứng để thấy mình đang sống ý nghĩa mỗi ngày.
Bản thân từng bị từ chối đứng lớp, bị nhận xét không phù hợp làm cô giáo truyền thống, từng hoang mang về tương lai, nghĩ mình không thể theo đuổi nghề nghiệp này dù yêu thích. "Nhưng hơn tất cả, em tin rằng tình yêu với ngoại ngữ khiến em có thể làm được điều đó", Anna tâm sự.
Không thể lên lớp theo kiểu truyền thống, Anna dạy theo một cách mới, đầy sáng tạo và không có ở bất cứ nơi đâu. Xây dựng những clip học ngoại ngữ một cách dễ thương như: Rủ gấu đi chơi bằng tiếng Anh thế nào, Xin sếp nghỉ bằng ngoại ngữ ra sao hay cover ca khúc hit Hãy yêu nhau đi...
Say sưa với nghề giáo, Anna mở nhiều lớp học miễn phí cho đủ đối tượng học trò, tự tay biên soạn những giáo trình riêng. "Em mong muốn có thể thay đổi được thói quen và cách học tiếng Anh của người trẻ. Đó là lý do em lấy nickname Anna, một cô gái trong bộ phim của Châu Nhuận Phát và Jodie Foster - cô gái có thể thay đổi thế giới từ suy nghĩ của bản thân mình".
Hồng Nhung