Tin liên quan
(Tinmoi.vn) Bão số 5 đang trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đang mạnh lên, chỉ khoảng 3h nữa sẽ đổ bộ trực tiếp vào Vịnh Bắc bộ, gây gió giật cấp 12.
Thông tin từ ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, chỉ khoảng 3 tiếng nữa bão số 5 sẽ tiến vào Vịnh Bắc bộ. Vị trí tâm bão sẽ đi vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng.
Dự kiến bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đế Nghệ An.
Ảnh vị trí và đường đi cơn bão
Hồi 22 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 330km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, vượt qua phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ sáng ngày 03/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 03/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm mai (3/8), các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Bão sẽ đổ bộ vào lúc chiều cường lên cao vì thế các tỉnh Quảng Ninh-Nghê An cần đề phòng có lốc xoáy.
Các tỉnh đang tập trung toàn lực chống bão
Tại Quảng Ninh: UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp khẩn phòng chống bão. Yêu cầu tất cả các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung toàn bộ nhân lực phòng chống bão số 5.
UBND tỉnh yêu cầu cảng tàu thông báo cho toàn bộ tàu thuyền trên vịnh dừng mọi hoạt động, vào nơi trú ẩn trước 14h ngày 2/8.
Đối với các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà, ông Đọc yêu cầu phải đặc biệt lưu ý các tuyến đê biển, đê ở các xã đảo. Các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều rà soát toàn bộ các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, sẵn sàng di dời dân.
Tại Hải Phòng: Huyện đảo Cát Hải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 2. Ngay sau khi công điện của thành phố, huyện Cát Hải đã khẩn trương tổ chức họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, khẩn trương triển khai nhiệm vụ.
Thực hiện công điện của chủ tịch UBND huyện, các địa phương đều chủ động lên các phương án phòng tránh đối phó. Bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đảo Cát Hải vào ngày 3/8, giữa lúc triều cường dâng cao đỉnh điểm 3,1 m đến 3,5m, sóng biển dâng cao từ 4 đến 4,5m.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 5, chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền tới người dân về việc phòng chống bão, bám sát diễn biến của cơn bão, đảm bảo thông tin liên lạc, lên phương án sơ tán nhân dân tại chỗ, và di dân sang khu vực đảo Cát Bà, nội thành Hải Phòng.
Đến thời điểm 15h hôm nay 2/8, tổng số nhân dân được sơ tán tại chỗ là 1.022 người, tập trung ở thị trấn Cát Hải, xã Hoàng Châu, Văn Phong , số di dân sang các xã khu vực Cát Bà là 129 người, di dân đi Hải Phòng tính được trên 800 người, còn lại di dân tại chỗ ở các khu vực cao hơn như trường học, nhà cao tầng, nhà văn hoá.
Ảnh vệ tinh cơn bão
Tại Nam Định: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, công tác phòng chống bão của tỉnh Nam Định đã được triển khai khẩn trương. Đến sáng 2/8, 100% tàu, thuyền đã vào nơi trú, tránh bão an toàn. Các điểm đê biển và sông xung yếu, vị trí đê, kè bị hư hỏng sau cơn bão số 2 và 3 đã được gia cố và xử lý.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, liên tục trong 2 ngày 1-2/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các huyện, thành phố trong tỉnh khẩn trương kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 5 trên địa bàn. Đến 9 giờ ngày 2/8, toàn bộ số tàu, thuyền với hơn 11.000 ngư dân của Nam Định đã vào nơi trú bão an toàn; trong đó 2.070 tàu, thuyền với 11.082 ngư dân đã neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh; 19 tàu với 114 ngư dân neo đậu tại các tỉnh ngoài như Hải Phòng, Thanh Hóa, Bạc Liêu và Vũng Tàu.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các các địa phương yêu cầu các chủ đầm nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão; triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển; di dời người dân ra khỏi các khu nhà xuống cấp và di dời du khách tại các điểm du lịch Quất Lâm và Thịnh Long xong trước 19 giờ ngày 2/8.
Đến 9 giờ ngày 2/8, còn 387 lều, chòi canh đầm nuôi hải sản (trong tổng số 700 lều, chòi) với hơn 400 người vẫn chưa vào tránh bão. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương vận động, kêu gọi người dân vào tránh trú bão.
Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục diễn biến cơn bão số 5!
Khiết Tâm
Source : tinmoi[dot]vn